Hôm 2/10,ụhuynhkêutrườngmuathựcphẩmđắliếm bảng kê thực phẩm bữa trưa của trường Mầm non Phước Long B, TP Thủ Đức khiến nhiều phụ huynh xôn xao. Chị Thanh, phụ huynh bé 3 tuổi của trường, cho rằng các mức giá trong bảng không hợp lý.
Cụ thể, dưa hấu không hạt 58.900, thịt nạc dăm giá 219.800 đồng một kg, mì trứng Safoco giá 115.800 đồng mỗi kg. Trong khi đó, theo chị Thanh, tại siêu thị Co.op online, dưa hấu không hạt chỉ 16.300 đồng, thịt nạc dăm 182.000 đồng, hay mì trứng Safoco giá 73.800 đồng một kg. Với khoai tây, ở siêu thị loại chưa gọt giá 38.000-45.000 đồng một kg, còn ở trường loại đã gọt giá 89.800.
"Biết là giá thực phẩm vào trường sẽ khác với giá ngoài chợ vì phải đạt chuẩn chất lượng, nhưng mức giá này so với siêu thị cao hơn nhiều", chị Thanh nói.
Chị Bích, một phụ huynh khác của trường, nhìn nhận giá thực phẩm tươi sống có thể biến động nhưng đồ khô như mì, đường, nước mắm, dầu ăn mà trường nhập cũng cao hơn bình thường.
Theo các phụ huynh, trường đang tạm thu phần ăn sáng 15.000 đồng, ăn trưa và bữa xế (bữa chiều) 35.000 đồng một ngày. Họ lo nhà trường nhập giá đắt có thể ảnh hưởng tới bữa ăn của con em.
"Với giá như vậy thì số lượng, chất lượng bữa ăn của các bé có đảm bảo không", chị Bích đặt vấn đề.
Trả lời VnExpresssáng 6/10, bà Đinh Thị Xuân Châu, Hiệu trưởng trường Mầm non Phước Long B, cho hay tất cả thực phẩm đưa vào trường đều theo chuỗi thực phẩm an toàn, có đầy đủ thông tin đơn vị cung cấp, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc hàng hóa.
"Đơn vị cung cấp thực phẩm được trường chọn dựa trên uy tín và chất lượng để đảm bảo bữa ăn cho học sinh", bà Châu nói, thêm rằng bảng giá thực phẩm được dán công khai trên bảng tin để phụ huynh theo dõi nhưng trước đó chưa hề nhận được ý kiến về giá hay chất lượng.
Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức, trường đang thu tiền suất ăn đúng quy định của HĐND thành phố. Theo đó, giá suất ăn sáng và ăn trưa tối đa lần lượt là 20.000 và 35.000 đồng. Về phản ánh của phụ huynh, Phòng đã yêu cầu nhà trường rà soát giá nhập thực phẩm, so sánh với một số trường khác trên địa bàn.
"Nhận thấy mức giá thực phẩm của đơn vị cung cấp này chưa phù hợp, phòng đã đề nghị nhà trường đổi nhà cung cấp", ông Nguyên nói.
Giải thích thêm, ông Nguyên cho biết thực phẩm đưa vào trường học phải đạt một số chuẩn an toàn nghiêm ngặt nên giá sẽ khác ở chợ. Tuy nhiên, các trường cần xem lại mức giá của nhà cung cấp có phù hợp với mặt bằng chung hay không. Phòng yêu cầu các trường học khác trên địa bàn rà soát lại việc này.
Hiện, TP Thủ Đức có khoảng 170 trường công lập, trong đó hơn 60 trường mầm non.
Trường Mầm non Phước Long B được khánh thành hồi cuối tháng 4, hiện có gần 200 trẻ theo học.
Năm ngoái, khoảng 70% trong số hơn 2.300 trường học ở TP HCM tổ chức bán trú. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường lựa chọn thực phẩm cho bếp ăn đạt tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đạt ít nhất một trong các tiêu chuẩn như HACCP, ISO 22000:2005, VietGap, Global Gap. Thực phẩm đưa vào trường phải có nguồn gốc rõ ràng, thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối.
Lệ Nguyễn
* Tên phụ huynh đã được thay đổi